Điểm mặt 7 nguyên nhân khiến bạn khát nước “phát điên”
Cảm giác khát nước là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang bị thiếu nước trầm trọng, đồng thời nó còn hé lộ tình trạng sức khỏe không mấy khả quan của bạn. Các nhà khoa học cho biết, bất kỳ vấn đề nào làm thay đổi lượng nước hoặc sự cân bằng muối khoáng bên trong cơ thể đều có thể gây ra cơn khát nước. Điển hình có thể kể đến 7 nguyên nhân khiến bạn khát nước “phát điên” dưới đây.
Cảm giác khát nước cũng hé lộ tình trạng sức khỏe của bạn
1. Tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mất nước, bởi lượng đường trong máu quá cao thường gây áp lực lên thận, dẫn đến việc sản xuất nước tiểu nhiều hơn nhằm mục đích làm giảm lượng glucose dư thừa.
Vì vậy, đi tiểu thường xuyên chính là triệu chứng phổ biến dẫn đến cơn khát. Điều này khiến những người bệnh tiểu đường có xu hướng uống nhiều nước hơn so với bình thường. Có thể trước kia bạn không hay cảm thấy khát nước hoặc đi tiểu nhiều, nhưng thời gian gần đây bạn bắt đầu bị sút cân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, hay cáu gắt thì tốt nhất bạn nên tiến hành làm xét nghiệm đường huyết để xác định xem mình có bị tiểu đường hay không, từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa và chữa trị kịp thời.
2. Bệnh đái tháo nhạt
Thông thường, bệnh đái tháo nhạt được đặc trưng bởi sự mất cân bằng hormone trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới sự hấp thụ nước. Đây là nguyên nhân khiến những người bị bệnh đái tháo nhạt mất đi một lượng nước lớn qua nước tiểu và làm xuất hiện các cơn khát nhiều hơn.
3. Đến kỳ “đèn đỏ”
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hầu hết chị em phụ nữ khi đến kỳ “đèn đỏ” đều cảm thấy khát nước hơn. Nguyên nhân là do hormone estrogene và progesterone có ảnh hưởng rất lớn đến lượng chất lỏng bên trong cơ thể. Bên cạnh đó, sự mất máu trong suốt kỳ kinh nguyệt cũng làm gia tăng cảm giác khát nước nhiều hơn. Tốt nhất, khi bạn nhận thấy có hội chứng tiền kinh nguyệt thì nên giữ một chai nước bên mình.
4. Khô miệng
Khô miệng là một tình trạng khô bất thường của màng nhầy trong miệng, do hiện tượng suy giảm tuyến nước bọt gây ra. Bệnh lý này thường hay bị nhầm lẫn với triệu chứng khát nước quá mức.
Trường hợp tuyến nước bọt không tiết đủ nước bọt còn dẫn đến các triệu chứng khác như hôi miệng, khó nhai. Ngoài ra, khô miệng có thể là một tác dụng phụ đi kèm trong quá trình sử dụng các loại thuốc kê theo đơn, thuốc dị ứng hay thuốc chóng mặt.
Khô miệng thường hay bị nhầm lẫn với triệu chứng khát nước quá mức
5. Thiếu máu
Sự mất máu đột ngột như kinh nguyệt nặng hoặc chảy máu là nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng thiếu máu. Lúc này, cơ thể bị mất một lượng lớn tế bào hồng cầu nhanh hơn thời gian chúng được tái tạo và để bù đắp cho sự mất mát chất lỏng cơ thể sẽ kích hoạt cơn khát tự nhiên.
Các nhà khoa học cho rằng, suy giáp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt nặng và có tới 70% phụ nữ bị suy giáp có cảm giác khát nước thường xuyên.
6. Huyết áp thấp
Stress mãn tính có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của tuyến thượng thận, gây ra tình trạng huyết áp thấp. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng phổ biến thường gặp như chóng mặt, trầm cảm, lo âu và cả cảm giác khát nước vô cùng. Lúc này, cảm giác khát nước là cách cơ thể bổ sung nước vào máu, hỗ trợ làm tăng huyết áp nhanh hơn.
7. Chế độ ăn uống hàng ngày
Trong chế độ ăn uống hàng ngày có tồn tại một số thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như cần tây, củ cải đường, chanh, dưa hấu, gừng, rau mùi tây, … Các loại thực phẩm này có thể làm gia tăng cơn khát bởi nó khiến bạn đi tiểu nhiều hơn so với bình thường. Mặc dù có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn cũng cần cân bằng chế độ dinh dưỡng với những thực phẩm này để tránh các tác dụng phụ không mong muốn cũng như cân bằng cơn khát hiệu quả.
Ngoài ra, để cân bằng cơn khát tối ưu bạn có thể ăn bổ sung các loại thực phẩm giàu chất lỏng hơn hoặc những thực phẩm đã được ngậm nước trong quá trình nấu, chẳng hạn như bột yến mạch, gạo nâu, nhung hươu, …
Nguồn bài viết: nhansamnhunghuou.com